Món ngon mỗi ngày - Cách nấu phở bò thơm ngon bổ dưỡng
Xem thêm về cách nấu phở bò đơn giản
Hãy cùng monngon.muabannhanh.com tham khảo cách nấu phở bò thơm ngon bổ dưỡng mà rất đơn giản cho bữa sáng của gia đình sau đây nhé các bạn!
Chỉ mất khoảng 15 phút buổi sáng, bạn có thể chiêu đãi cả nhà món ngon mỗi ngày này nhé
Nguyên liệu nấu phở bò
Xương ống lợn hoặc bò (hoặc dùng đuôi lợn/bò)
1 miếng bắp bò để làm thịt chín
2 lạng thịt thăn mềm để làm thịt tái
1 ít quế, thảo quả, hồi
Hàng tây, hành hoa, húng bạc hà, chanh, ớt
Cách nấu phở bò
Ninh nước dùng từ tối hôm trước.
Nồi nước dùng gồm có: xương ống đã luộc qua và rửa lại thật sạch; gừng, hành tím nướng sơ, đập dập; 1 chút hồi, quế, thảo quả; thêm mấy miếng dứa cho ngọt nước; 2 thìa hạt nêm. Cho luôn miếng bắp bò vào luộc cùng. Dùng nồi áp suất thì khoảng 15 phút là được.
Thịt bò thăn thái miếng mỏng, dần qua cho mềm, ướp 1 chút gia vị rồi bỏ tủ lạnh.
Hành tây, rau thơm cũng nhặt, rửa sạch, cất tủ lạnh, sáng hôm sau chỉ việc thái nhỏ cho tiết kiệm thời gian.
1.Bắp bò chín vớt ra thái miếng mỏng.
2. Sáng dậy chỉ việc chần bánh phở sắp ra bát. Xếp bắp bò lên trên.
3. Đun sôi nước dùng, nhúng thịt bò rồi bày lên bát. Cho rau thơm, hành tây, chan nước dùng và thưởng thức
Với cách nấu phở bò thơm ngon bổ dưỡng mà rất đơn giản cho bữa sáng của gia đình mà monngon.muabannhanh.com vừa chia sẻ thì tin rằng các chị em nội trợ sẽ dễ dàng thành công với món phở bò này. Chúc các bạn ngon miệng nhé!
Hướng dẫn cách nấu phở bò truyền thống ngon hết sẩy
Phở bò là món ăn truyền thống của người Việt Nam. Ở khắp các làng quê cho đến mọi ngõ phố, trên vỉa hè hay trong các nhà hàng sang trọng đều có món ăn hấp dẫn này. Đặc biệt là phở bò có thể ăn vào thường xuyên vì mùi vị dễ ăn lại không tạo cảm giác ngán.
Nhiều người nghiền món ăn này vì vị mềm dai của phở cộng thêm nước dùng vừa thơm ngon, kết hợp đầy đủ những gì tinh túy nhất mà các nguyên liệu mang đến. Để nấu món phở tại nhà không khó, hãy cùng theo dõi cách nấu phở bò ngay sau đây để có món ăn hấp dẫn cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé!
Nguyên liệu để nấu phở bò
– Xương bò
– 400 – 500g Thịt bò
– 1 gói gia vị dùng để nấu phở
– Hành khô
– 1 củ Hành tây
– 1 củ gừng to
– Bánh phở
– Hành lá, mùi tươi
Cách nấu món phở bò truyền thống
Sơ chế nguyên liệu
– Xương bò bạn rửa sạch, cho vào nồi nước trần qua, sau khi nước sôi thì bạn chắt hết nước đổ đi, cho xương ra bát đựng nước lạnh và rửa sạch.
– Cho vào nồi và ninh trong vòng 40 – 45 phút.
– Hành khô và hành tây bóc vỏ và thái thành miếng dầy khoảng 1cm .
– Gừng bạn rửa sạch, cạo sạch vỏ và thái miếng .
– Bạn cho hành và gừng lên bếp và nướng, sau khi nướng xong rửa sạch phần bụi than dính ở bên ngoài, cho hành và gừng vào bát,
– Cho 1/2 gói gia vị nấu phở bò vào chảo rang cho khô với lửa nhỏ cho dậy mùi thơm. Sau đó bạn đổ gia vị vào một túi vải và buộc chặt lại.
– Nấu nước dùng: Đổ phần nước xương đã ninh vào nồi, cho thêm nước cho vừa đủ 5 lít nước là được. Cho tiếp phần gia vị nấu phở, cùng hành khô và gừng nướng vào nồi.Khi nước sôi thì bạn nêm gia vị gồm 4 muỗng nước mắm, 1 muỗng muối, 1/2 muỗng hạt tiêu, 2 muỗng hạt nêm. Sau đó tiếp tục ninh trong vòng 30 phút và nêm lại gia vị cho vừa ăn.
– Trong lúc ninh xương thì bạn chuẩn vị làm thịt bò. Để thịt bò thái được mỏng thì bạn cần có 1 con dao thật sắc và thịt bò nên để trong ngăn lạnh đông thành cục để được dễ dàng hơn. Thái từng miếng mỏng vừa ăn, cho vào bát.
– Bạn cần chuẩn bị một nồi nước đun sôi khoảng 90 độ C cho thịt vào trần qua. Thịt trần qua chỉ cần có màu hồng hồng là bạn vớt ra, không nên để thịt bò chin quá vì khi chan nước dùng ăn sẽ không ngọt. Trong quá trình trần thịt bò nên cho chút một, nếu như nước có màu đục thì cần thay nước khác.
– Bạn trần phở qua với nước sôi, sau đó cho phở vào bát
– Hành lá và rau mùi nhặt nhỏ gốc, rửa sạch và thái nhỏ.
– Cho thịt bò vào muỗng và trần qua với nước dùng, sau đó cho vào bát cùng với một chút hành lá và rau mùi, chan nước dùng lên.
Phở bò nên ăn nóng, ăn kèm với rau sống, tương ớt và vắt ít nước cốt chanh sẽ làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn và đậm đà hơn.
Món phở bò thơm ngon chủ yếu là công đoạn nấu nước dùng, hy vọng với những chia sẻ ở trên bạn đã có một món phở bò thơm ngon và hấp dẫn.
Chúc các bạn ngon miệng!
Phở - ăn nhiều vẫn không sao ?
Hiện nay, phở Việt đã trở thành món ăn được cả thế giới biết đến và đứng trong top 50 món ăn được yêu thích nhât.
Xét về mặt văn hóa, là một đại diện xứng đáng của nền ẩm thực Việt Nam, trở thành đặc sản Việt Nam được người Việt hãnh diện giới thiệu đến bạn bè năm châu, và là nỗi hoài nhớ đi vào văn thơ phim ảnh, đi vào tâm hồn hay ký ức của bất kỳ người Việt nào.
Xét về mặt dinh dưỡng, phở mang đầy đủ các đặc tính thực phẩm theo kiểu Việt Nam, đáp ứng cả về mặt khẩu vị lẫn chức năng dinh dưỡng.
+ Có lẽ với người Việt Nam, phở là món ăn thân thuộc nhất sau cơm.
Từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ sáng sớm đến đêm khuya đều có thể tìm thấy sự hiện diện của phở trong cuộc sống của người dân. Phở có thể dùng ăn sáng, cũng có thể dùng thay bữa cơm trưa hay cơm tối, là món ăn thêm buổi tối hay buổi chiều, cũng có thể dùng thay cháo mấy hôm trở trời trái gió, làm món bồi bổ cho người bệnh hay đang làm việc căng thẳng, là món ăn nhanh gọn trong những dịp tụ họp bạn bè mà không sợ người này chê hay người kia kiêng cữ, là bữa ăn chữa cháy để đãi khách phương xa khi đến thăm không gặp bữa... Có đủ thứ phở cho đủ thứ ý thích khác nhau, tái, nạm, gầu, gân, bò viên, phở gà, phở xào, phở nước… Xoay quanh một vòng, thấy đời sống dân Việt gắn liền với phở, và phở được dân ta ưu ái như là… người tình.
Dù vậy, cách nấu phở và ăn phở ở các vùng khác nhau thì hoàn toàn khác nhau. Người Bắc thích vị phở thật thanh, nước trong, đậm vị mì chính, khi ăn không kèm theo giá, tương đen, rau thơm mà chỉ có rau quế, húng cây, nhưng lại hay ăn phở chung với dầu cháo quảy.
Dân Nam thì thích nước phở hơi ngọt ngọt, béo béo, thích thêm cả tương đen lẫn tương đỏ vào nước phở, có khi cho cả sa tế vào, rau thơm có thêm ngò gai và rau om, tô phở bao giờ cũng có giá trụng, đầu hành chần, không ăn dầu cháo quảy với phở bao giờ, cùng lắm chỉ ăn phở với bánh mì. Người bán phở ở đâu thì cũng sẵn sàng chiều khách, thêm cái này, bớt cái kia cho hợp với khẩu vị và ý thích của từng người một, vì vậy, phở Việt Nam có vô số dị bản, cũng là phở đấy nhưng khác nhau cái này một chút cái kia một chút, không khác mấy với nền văn hóa đa dạng của dân Việt ta.
Các nhà dinh dưỡng thường khuyến cáo rằng chế độ ăn uống là hợp lý là phải ăn đa dạng, ăn chừng mực, và ăn càng nguyên vẹn càng tốt
Phở đáp ứng đủ cả ba yêu cầu khắt khe này của những nhà khoa học vốn chi li khó tính.
- Ăn đa dạng có nghĩa là ăn nhiều loại thức ăn trong cùng một bữa.
Trong một tô phở có đến cả chục loại thực phẩm khác nhau: bánh phở, thịt, giá, rau, hành, tương, chanh, ớt… Sự đa dạng thực phẩm này làm cho phở là một món ăn có thể cung cấp cùng một lượt đủ cả bốn nhóm thực phẩm bột, đạm, béo và vi chất.
Sự đa dạng này là một nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, ăn món gì cũng là hỗn hợp nhiều thứ chứ chẳng thích ăn thịt ra thịt, rau ra rau như dân Tây. Ăn chừng mực có nghĩa là ăn vừa phải, không cái gì nhiều quá cũng không cái gì ít quá. Mỗi tô phở đã được người bán đo đếm đâu ra đó, chừng ấy bánh chừng ấy thịt chừng ấy rau, có muốn ăn nhiều hơn cũng chẳng được nào. Sự chừng mực này tạo nên sự cân đối về thành phần các chất dinh dưỡng trong một tô phở.
- Ăn nguyên vẹn có nghĩa là ăn càng tươi càng tốt, chế biến càng đơn giản càng tốt. Thì trong phở thứ gì mà không được chế biến đơn giản. Thịt được luộc hay nấu tái, không chiên không xào, giá chỉ trụng sơ là ăn, rau lá thì còn tươi xanh, thêm ít chanh tươi cho thêm vị ngon nhưng cũng là thêm tí vitamin còn chưa biến chất…
Mỗi tô phở trung bình cung cấp khoảng 500kcalo, vừa đủ năng lượng cho bữa sáng, có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết và với một tỉ lệ cân đối có lợi cho sức khỏe. Phở thường được ăn khi còn nóng, giúp giải nhiệt, giải cảm. Trong phở có khá nhiều chất xơ từ giá, rau, giúp điều hòa hoạt động của hệ tiêu hóa và làm cân đối khẩu phần ăn.
Điểm qua một vòng, thấy toàn ưu điểm của phở.
- Ăn chừng mực: Liệu khi ăn phở có cần chú ý thêm điều gì để tránh làm phiền đến sức khỏe không?
Thực ra, với những người bình thường, không có bệnh lý gì căn bản, ngày ăn phở ba bữa suốt vài tuần chắc cũng không sao.
Những người có bệnh lý thì CẦN CHÚ Ý ít nhiều, chứ không bị cấm ăn phở bao giờ.
Nếu đã có bệnh cao huyết áp, tim mạch, rối loạn lipid máu, hay cần ăn kiêng để giảm cân thì nên chọn ăn phở tái, nước trong để giảm tối đa lượng chất béo từ xương bò, mỡ bò, vốn giàu cholesterol và chất béo no không có lợi cho sức khỏe. Khi ăn cũng cần chú ý đừng nêm thêm nhiều tương, nước mắm, tránh làm tăng lượng muối ăn vào, nhất là với người cao huyết áp.
Có thể tăng thêm lượng rau, giá trong khẩu phần để tăng thêm chất xơ và các vi chất bảo vệ cơ thể.
Cũng không nên ăn thêm quá nhiều dầu cháo quảy với phở, vì loại bánh chiên này chỉ cung cấp chất béo và chất bột, sẽ làm tăng năng lượng vô ích mà lại phá vỡ sự cân đối giữa các chất dinh dưỡng có trong tô phở.
+ Phở Việt Nam vốn đã được quan tâm vì sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực, càng nên được coi trọng về giá trị dinh dưỡng, góp phần làm cho bữa ăn hàng ngày trở thành công cụ bảo vệ cho sức khỏe.
Nguồn: https://monngon.muabannhanh.com/mon-ngon-moi-ngay-cach-nau-pho-bo-thom-ngon-bo-duong/19
Đăng bởi Minh Thiện Tags: Ẩm Thực, cách nấu phở, cách nấu phở bò, Món ăn ngon Món Ngon, phở bò, Thực đơn hằng ngày