Xe máy đi kiểu gì cho bền và khỏe?
Sử dụng số hợp lý, phanh đúng cách, không ép côn, thay lọc gió, lọc dầu đúng hạn… là những cách giúp chiếc xe của bạn bền và khỏe hơn.
1. Sử dụng số hợp lý
Một trong những tật xấu thường gặp nhất của lái xe là không về số thấp khi dừng đỗ tạm thời, dừng đèn đỏ, hoặc điều khiển xe tốc độ thấp trong khi vẫn để số cao. Thới quen này sẽ làm xe bạn “ngốn” xăng nhiều hơn và động cơ phải hoạt động trong tình trạng yếu, máy ì, nhanh lão hóa hơn.
Thông thường, nếu để ý trên các bảng đồng hồ côngtơmét của các dòng xe số, nhà sản xuất thường chỉ định rõ ràng tốc độ hợp lý nhất. Chẳng hạn, trong khoảng từ số 1 đến số 2 tốc độ là 20 km/h, từ số 2 – 3: 20 – 40 km/h, số 3 – 4: 40 – 60 km/h… Do đó, bạn hãy sử dụng số hợp lý để xe luôn được vận hành trong điều kiện tốt nhất, luôn về số thấp khi đi chậm hay dừng đèn đỏ hoặc sau khi phanh.
2. Phanh đúng cách
Tất cả xe máy đều có 2 phanh nằm ở bánh trước và bánh sau, vì thế, bạn nên nhớ hãy luôn giữ chân phải lên bàn đạp phanh khi điều khiển xe và tay phải đặt trên cần phanh tay. Nếu chỉ sử dụng phanh trước, nguy cơ bị trượt bánh trước là rất cao. Còn nếu sử dụng chỉ phanh sau, sẽ có nguy cơ chiếc xe bị văng, trượt.
Trong cả hai trường hợp, nếu may mắn xe không bị lật, đổ thì bạn cũng mất một quãng đường phanh dài cho tới khi chiếc xe dừng hẳn lại. Cách tốt nhất phanh đồng thời cả hai phanh trước/sau theo nguyên tắc để phanh sau bám trước rồi mới bóp phanh trước.
3. Không ép côn
Tật ép côn để rồ ga, tăng độ vọt ở xe số thường gặp ở các bạn trẻ, tuy nhiên bạn không nên làm điều này nếu không muốn phải thay côn thường xuyên hoặc luôn phải nghe tiếng hú khó chịu của ly hợp khi vận hành.
Thông thường đối với các xe côn tự động hoặc côn tay, bộ ly hợp được sử dụng vào mục đích cho xe chuyển tốc độ theo từng bước số. Việc giữ chân, tay để thực hiện thao tác ép côn rồi thả mạnh đột ngột nhằm tăng tốc cho xe sẽ khiến cho hệ thống ly hợp phải hoạt động với cường độ mạnh, dễ gây hỏng.
4. Thay lọc gió, lọc dầu đúng hạn
Lọc gió có tác dụng ngăn mọi bụi bẩn, tạp chất lọt vào động cơ, nếu chúng bị rách, hỏng sẽ không thể cung cấp chuẩn xác lượng gió cho chế hòa khí, dẫn tới các hiện tượng như: xe ăn xăng nhiều hơn, khó nổ vào buổi sáng, không thể đạt được công suất tối đa.
Còn nếu để lọc dầu tắc, nhiệm vụ thanh lọc các tạp chất lẫn trong dầu buồng máy sẽ bị ảnh hưởng nếu như không được thay mới đúng lúc. Lọc dầu khi tắc sẽ gây ra hiện tượng thiếu dầu cho động cơ. Điều này khiến xe vận hành bị nóng hơn và dễ xảy ra hiện tượng bó máy.
5. Không đấu nối thêm đèn điện, dùng phụ gia ngoài
Gần đây, nhiều vụ cháy xe khi đang vận hành có nguyên nhân từ việc chủ xe đấu nối thêm các thiết bị điện từ ngoài vào. Các thiết bị như: còi đôi, đèn pha công suất lớn, đèn chớp, đèn màu trang trí… lắp thêm đều là nguyên nhân chính khiến bình ắc quy, đi ốt xạc, cuộn điện bị hỏng; thậm chí gây cháy xe.
Nguyên nhân chính là do khi lắp đặt thêm những thiết bị, cuộn điện không sản sinh đủ công suất, dây điện bị chập cháy do quá tải hoặc bình ắc quy nhanh bị hao điện.
>> Xem thêm: Xem và chọn mua xe Exciter 150 cũ
Nháy pha nhường đường - Hiểu thế nào cho đúng
Nháy đèn pha ở các nước phát triển là báo hiệu nhường đường cho xe phía trước nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.
Đèn chiếu sáng thông thường có 2 chế độ: Đèn cốt – chiếu sáng gần và đèn pha – chiếu sáng xa.
Bỏ qua cách sử dụng 2 loại đèn này cho mục đích chiếu sáng (đã được học ngay từ khi bắt đầu lái xe), ở bài viết này Autopro muốn đưa các bạn cái nhìn tổng quát hơn về việc sử dụng đèn pha để xin đường (passing) và sử dụng đèn pha trong trường hợp nhường (xin nhường).
1.Đèn pha dùng để vượt (Passing)
Sử dụng còi xe ở Việt Nam được coi như là tất yếu. Với tình trạng giao thông hiện nay thì nếu không dùng còi khó có thể xin vượt được. Tuy nhiên, với những chiếc xe ô tô cách âm tốt, thì còi rất khó nghe và dễ bị lẫn. Khi đó, đèn Passing là phương án hiệu quả nhất. Trên một số xe máy đời mới hiện nay, nhà sản xuất cũng đã tinh ý đưa nút Passing vào công tắc chỉnh đèn pha cốt. Khi đèn Passing lóe sáng ở gương hậu ô tô, người lái ô tô sẽ nhanh chóng nhận ra có xe đang xin vượt.
Ở một số nước phát triển mà tôi đã được kiểm nghiệm: Đức, Hà Lan, Pháp… thì người tham gia giao thông hầu như chỉ sử dụng đèn để vượt. Thậm chí, khi đi trên đường quốc lộ, chỉ cần đi với tốc độ cao hơn xe đằng trước và bật xi nhan trái, lập tức xe đằng trước sẽ biết ý chuyển làn để nhường đường cho xe phía sau vượt.
2. Đèn pha nhường đường (xin nhường)
Nếu là một người tham gia giao thông, chắc chắn bạn đã từng gặp trường hợp: Đi vào đường hẹp có vật cả phía trước, xe đi ngược chiều nháy pha về phía bạn.
Ở một số nước Châu Âu mà tôi đã từng được biết thì họ đều có một quy ước chung: Khi một xe nháy đèn pha có nghĩa là người nháy đèn có ý nhường đường cho xe khác. Ví dụ trong trường hợp đường hẹp và 2 xe đều gặp vật cản ở giữa, xe nào nháy đèn pha sẽ là xe đứng nhường cho xe còn lại đi qua.
Ở Việt Nam thì ngược lại, một phần do không trường đào tạo lái xe nào dạy về phương pháp sử dụng đèn pha nhường và xin nhường, một phần do tinh thần giao thông mạnh ai nấy đi. Vì thế quy ước về đèn pha của chúng ta có thể hiểu là xin đi trước. Trong trường hợp trên, khi một xe nháy pha liên tục là xe đó có ý muốn xin nhường đường để đi qua trước.
>> Xem thêm: Xe máy cũ giá rẻ
Trong trường hợp cả 2 xe đều nháy đèn xin đường thì người lái cần chủ động quyết định nên vượt hay nhường căn cứ vào những yếu tố sau:
- Vật cản trên đường nằm ở phía bên kia hay bên mình, nếu vật cản nằm ở bên mình nhiều hơn thì nên nhường xe đối diện.
- Nếu vật cản nằm ở giữa, thì chú ý khoảng cách 2 xe với vật cản, xe xa hơn sẽ nhường cho xe gần hơn.
- Phương tiện lưu thông: Quan sát nếu thấy bên đối diện có quá đông các phương tiện lưu thông bị tắc nghẽn thì có thể nhường đường cho bên kia tránh tắc cục bộ.
Bên cạnh đó, đèn pha xin nhường còn được dùng ở các trường hợp:
- Đường lưu thông khó khăn, đường nhỏ giao cắt có xe muốn đi ra, nếu xe ở đường to (đường ưu tiên) muốn nhường, có thể dừng, nháy đèn ra hiệu cho xe ở đường nhỏ rẽ ra ngoài.
- Tương tự ở ngã tư khi có xe muốn rẽ trái cắt ngang đoàn xe đi thẳng, xe ở trục thẳng nếu muốn nhường có thể nháy đèn báo hiệu cho xe rẽ di chuyển
Như vậy, nếu hiểu đúng và sử dụng đúng đèn pha trong tình huống nhường và xin nhường. Lái xe có thể tiết kiệm được thời gian hơn, tham gia giao thông văn minh hơn và đặc biệt giảm thiểu các va chạm đáng tiếc khi mạnh ai người nấy lấn như hiện nay.
Chúc các bạn sử dụng đèn pha hiệu quả và lái xe an toàn!
Đăng bởi Uyên Vũ Tags: ép côn, lọc dầu, phanh, sử dụng số, thay lọc gió, xe máy